Khi bạn đang đeo mắc cài niềng răng, nếu vệ sinh không đúng cách sẽ khiến các mảnh thức ăn bị kẹt lại trong mắc cài, gây ra hôi miệng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới răng miệng. Sau đây, Nha khoa Thúy Đức xin chia sẻ các bước vệ sinh răng miệng đúng cách khi niềng răng nhằm chăm sóc răng miệng tốt nhất.
Mục lục
Vì sao phải vệ sinh răng miệng khi niềng răng?
Chăm sóc vệ sinh răng miệng hàng ngày là việc làm rất quan trọng giúp hàm răng luôn chắc khỏe, hơi thở thơm tho. Và với hầu hết mọi người, đánh răng và dùng chỉ nha khoa là cách đảm bảo vệ sinh răng miệng khá hiệu quả. Tuy nhiên, điều này với người bệnh đang điều trị chỉnh nha cố định điều này vẫn là chưa đủ.
Bởi trong quá trình niềng răng, người bệnh phải mang mắc cài và các khí cụ nhằm di chuyển răng về đúng vị trí. Vụn thức ăn rất dễ bị mắc lại dưới dây cung, quanh các thun buộc tại chỗ. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành các mảng bám, vi khuẩn có điều kiện phát triển gây kích thích nướu, dẫn tới sâu răng và hôi miệng.
Việc lấy sạch các mảng bám trên răng và xung quanh mắc cài có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình niềng răng. Có đảm bảo vệ sinh răng miệng thì sau quá trình chỉnh nha hoàn tất, bề mặt răng bên dưới mắc cài mới sáng bóng và khỏe mạnh.
Người bệnh cần lưu ý thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách. Bởi trong quá trình chỉnh nha, không phải ai cũng biết cách vệ sinh đúng. Vệ sinh sai cách khi niềng răng như đánh răng quá mạnh, sử dụng bàn chải không phù hợp, lạm dụng nước súc miệng hay ăn quá nhiều đồ ăn gây hại cho răng…dẫn tới các bệnh lý nguy hiểm cho sức khỏe như sâu răng, viêm nước và các bệnh lý khác nặng hơn…
Bạn cũng đừng quá lo lắng, hãy thực hành vệ sinh răng miệng theo các bước sau đây giúp bạn sở hữu hàm răng chắc khỏe, hơi thở thơm tho, không còn nỗi lo sâu răng dù đang trong giai đoạn niềng răng.
Các bước vệ sinh răng miệng khi niềng răng
Lựa chọn bàn chải và kem đánh răng
Chọn bàn chải: Hãy chọn bàn chải có kích thước vừa với miệng của bạn, đầu bàn chải thuôn có thể len lỏi vào sâu bên trong để lấy đi mảng bám và thức ăn thừa mà không gây tổn thương nướu. Lông bàn chải phải thẳng, mềm mượt nhằm tránh gây hại men răng.
Đọc chi tiết: Các loại bàn chải phù hợp cho người đang niềng răng
Chọn kem đánh răng: Lựa chọn loại kem đánh răng có tính mài mòn thấp, những loại kem đánh răng làm trắng răng có độ mòn cao không phù hợp với người bệnh trong thời gian niềng răng. Nên chọn các loại kem đánh răng có chứa fluoride rất tốt cho người bệnh.
Xem thêm: Các loại kem đánh răng lý tưởng cho người niềng răng
Chải răng đúng cách
- Cần chải răng ít nhất 3 lần mỗi ngày, sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ để hạn chế sự tích tụ của thức ăn bám lại sau khi niềng răng. Nên thay bàn chải thường xuyên, nhất là khi nó có xơ tua, trong 3 tháng nên thay nhiều hơn một lần.
- Lấy 1 lượng kem đánh răng vừa phải lên bài chải, sau đó đặt bàn chải lên răng và xoay tròn nhẹ theo bề mặt răng. Chải thật sạch từng mặt răng của tất cả các răng, từ phía trên, phía dưới vừa giữa các mắc cài. Hãy nghiêng bàn chải 45 độ để các lông bàn chải có thể đi sâu vào trong kẽ răng lấy đi thức ăn thừa.
- Khi chải răng cần nhẹ nhàng, bởi nếu chải răng mạnh dễ làm khay niềng bị bung hoặc gây nhức răng. Mỗi lần đánh răng nên kéo dài ít nhất là 2 phút để đảm bảo các mảng bám được loại bỏ. Cũng không nên đánh răng theo kiểu kéo ngang bởi như vậy răng rất dễ bị mòn, nướu bị hư hại và không sạch. Bạn nên đánh răng lên xuống theo chiều răng mọc hoặc đánh vòng tròn để làm sạch răng hiệu quả.
- Không nên chải răng sau khi ăn các thức ăn có chứa axit chẳng hạn như cam, quýt, chanh…Bởi lúc này các axit đang làm men răng yếu đi, nếu đánh răng sẽ gây tổn hại tới men răng.
Dùng bàn chải kẽ để làm sạch
Sử dụng bàn chải thông thường không thể lấy đi hết các mảng bám ở vùng kẽ, xung quanh các mắc cài. Vì vậy, bạn cần tới sự trợ giúp của các bàn chải kẽ. Hãy sử dụng dụng cụ này hàng ngày để lấy đi các mảng bám ở trên răng và nướu.
Cách thực hiện như sau: Đưa bàn chải luồn vào bên dưới dây cung môi, hướng từ lợi về phía cạnh cắn. Hãy chải từ từ 15 lần từ mắc cài này tới mắc cài khác. Sau khi dùng bàn chải kẽ cho mỗi mắc cài, hãy sử dụng bàn chải thông thường theo các bước đã hướng dẫn ở trên.
Chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng
Chỉ nha khoa là một trong những dụng cụ cần thiết giúp làm sạch vùng kẽ răng mà bàn chải không tới được. Với những người bệnh đang niềng răng, chỉ nha khoa quả thực là giải pháp làm sạch kẽ răng hiệu quả không nên bỏ qua. Các nha sĩ thường khuyên dùng loại chỉ tơ để làm sạch các kẽ răng. Bởi chúng dễ sử dụng mà không gây chấn thương cho nướu răng.
Cách dùng chỉ tơ cuộn để làm sạch mảng bám giữa các kẽ răng như sau:
- Lấy một đoạn chỉ dài khoảng 30 – 45 cm và cuộn hai đầu chỉ vào hai ngón giữa.
- Căng đoạn chỉ này bằng hai ngón cái và ngón trỏ sao cho ở giữa còn một đoạn khoảng 3 – 5 cm.
- Hãy kéo nhẹ nhàng để sợi chỉ chui lọt vào kẽ răng, uốn sợ chỉ ôm quanh răng.
- Kéo sợi chỉ lên xuống để làm sạch răng, nên đưa sợi chỉ nhẹ nhàng ở dưới nướu một chút.
- Hãy lặp đi lặp lại động tác trên ít nhất 2 lần ở mỗi kẽ răng, một lần cho phía bên phải của kẽ răng, một lần cho phía bên trái.
Vệ sinh bằng tăm nước
Thực tế thì tăm nước chỉ giúp bạn có cảm giác miệng thoáng và mát mẻ hơn. Nếu trường hợp bạn không có điều kiện mua tăm nước thì chỉ cần súc miệng mạnh cũng được. Tuy nhiên, có điều kiện sử dụng tăm nước thì rất tốt. Ngoài vệ sinh theo các bước quy chuẩn ở trên, những trường hợp vệ sinh nhanh sử dụng tăm nước sẽ giải quyết được ở mức độ nhất định. Bạn cũng cần lưu ý, dùng tăm nước sẽ không thay thế được sử dụng chỉ nha khoa.
Nước súc miệng
Bạn sử dụng nước súc miệng như thông thường, có thể dùng trực tiếp hoặc pha sao cho bạn cảm thấy nồng độ nước súc miệng là dễ chịu nhất. Sử dụng nước súc miệng có chứa fluoride có tác dụng bảo vệ và làm răng chắc khỏe trong suốt quá trình niềng răng.
Ăn uống phù hợp
Bên cạnh việc vệ sinh răng miệng đúng cách bạn cần xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý để bảo vệ sức khỏe răng miệng nói riêng, sức khỏe tổng thể nói chung. Duy trì thói quen ăn uống đúng cách hạn chế được những rủi ro như bung tuột mắc cài trong suốt quá trình niềng răng.
Nên sử dụng các loại thực phẩm mềm, ít dính để dễ vệ sinh răng miệng. Không nên ăn các thực phẩm dai, giòn, cứng, dính…có thể làm bung tuột khí cụ hoặc ảnh hưởng tới lực kéo răng. Ngoài ra, hạn chế các đồ ăn có chứa nhiều tinh bột, đồ ngọt và thức ăn nhanh…Chúng rất dễ sinh ra các axit và các mảng bám dẫn tới sâu răng và các bệnh lý về răng miệng.
➤ Đọc thêm: Đang niềng răng nên ăn uống thế nào để không ảnh hưởng tới khí cụ trong miệng?
Những lưu ý khi niềng răng bạn nên nhớ
Nhằm mang lại hiệu quả cao nhất khi niềng răng bạn cần thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Sau đây là một số lưu ý khi ăn uống và sinh hoạt giúp bạn chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt nhất trong suốt quá trình niềng răng.
Các thực phẩm nên dùng
Xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung các vitamin và khoáng chất vào bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, chất xơ, protein, chất béo tốt và một số carbohydrate giúp bạn tránh tình trạng viêm nướu. Một số thực phẩm nên dùng như
- Thực phẩm làm từ sữa như sữa chua, phô mai, bơ.
- Các loại bánh mềm như bánh su, bông lan, bánh trứng.
- Các món ăn chế biến lỏng như bún, cháo, phở, soup.
- Bổ sung nhiều trái cây và rau củ.
- Thức ăn nên được chế biến dưới dạng hầm, luộc, hấp.
Bổ sung các loại trái cây và rau củ vào thực đơn ăn uống hàng ngày.
Uống nhiều nước
Trong suốt thời gian niềng răng, miệng của bạn có thể sẽ hơi khô. Hãy bổ sung đủ nước giúp bạn kiểm soát được sức khỏe răng miệng tốt hơn. Bởi môi trường khô rất thuận lợi cho sâu răng phát triển. Bên cạnh đó, bổ sung đủ nước cực kỳ tốt cho sức khỏe tổng thể, giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động một cách trơn tru.
Thực phẩm nên tránh
- Các loại thực phẩm dính phải kể đến như kẹo cao su, kẹo gummy…
- Thực phẩm cứng gây ảnh hưởng không tốt tới răng miệng như kẹo cứng, các loại hạt…
- Thực phẩm giòn cần loại bỏ khỏi thực đơn như khoai tây chiên, bỏng ngô, nước đá…
- Thực phẩm dai như vỏ cứng bánh mì, pizza, bánh nếp, bánh dày…
- Đồ ăn có chứa nhiều đường như nước ngọt, bánh kẹo ngọt.
- Các loại trái cây như táo, ổi, lê…khi ăn nên cắt nhỏ để không gây ảnh hưởng tới niềng răng.
Hạn chế các loại bánh kẹo ngọt để giảm nguy cơ sâu răng và các bệnh răng miệng khác.
Bỏ các thói quen xấu
- Không mút tay hay đẩy lưỡi.
- Không cắn móng tay hay cắn các vật cứng gây ảnh hưởng xấu tới quá trình niềng răng.
- Không nên dùng tay gỡ hay cạy các khí cụ niềng răng.
- Không nên ăn thức ăn thành miếng lớn mà nên cắt thành các miếng nhỏ và nhai thật chậm.
- Chải răng sau khi ăn đồ ngọt vì mắc cài sẽ lưu lại những đồ ngọt này làm tăng nguy cơ gây sâu răng.
- Bỏ hút thuốc lá.
Please Enter Your Facebook App ID. Required for FB Comments. Click here for FB Comments Settings page