Niềng răng hay cắt lợi tuy khác nhau về cách thức thực hiện, quy trình,… nhưng suy cho cùng đều là những phương pháp giúp răng khỏe mạnh và thẩm mỹ hơn. Nên cắt lợi trước hay niềng răng trước? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
1. Tìm hiểu chung về cắt lợi
Với nhiều người, khái niệm cắt lợi vốn đã không còn xa lạ, đây là một tiểu phẫu trên phần lợi của bệnh nhân. Cắt lợi là một thủ thuật nha khoa để loại bỏ đi một phần mô lợi bị viêm nhiễm hay phần lợi thừa gây nên tình trạng hở lợi, đôi khi cắt lợi cũng được dùng để điều trị một số bệnh lý liên quan khác.
Có 3 phương pháp cắt lợi được sử dụng hiện nay: cắt lợi bằng dao, cắt lợi bằng điện và cắt lợi bằng tia laser. Trong đó, cắt lợi bằng tia laser là phương pháp hiện đại, ít chảy máu và ít đau nhất.
Các bác sĩ sử dụng một thiết bị đặc biệt phát ra tia laser có bức xạ và nhiệt độ cao. Chúng có khả năng tiêu diệt các tế bào bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là xạ khuẩn Actinobacillus. Kỹ thuật cắt nướu bằng tia laser tương tự như dùng tia điện nhưng ít đau hơn và không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đặc biệt, tia laser có khả năng làm lành vết thương nhanh chóng nên có thể hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, đồng thời, thời gian nghỉ dưỡng sau phẫu thuật cũng được rút ngắn.
Những trường hợp cần cắt lợi là: viêm lợi, viêm lợi phì đại, cười hở lợi, lợi trùm, lợi thừa,… Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc hay phải cắt lợi. Cắt lợi được coi là một tiểu phẫu ít phức tạp, tuy nhiên bạn vẫn cần chọn một bệnh viện, phòng khám uy tín để thực hiện, tránh những rủi ro không đáng có.
2. Nên cắt lợi trước hay niềng răng trước?
Như đã nói, có nhiều bệnh lý liên quan cần phẫu thuật cắt lợi để điều trị triệt để. Do đó, cần dựa vào tình trạng bệnh lý để quyết định nên cắt lợi trước hay niềng răng trước. Thông tin cụ thể như sau:
Cắt lợi trước khi niềng răng đối với trường hợp lợi bị viêm, viêm phì đại lợi, lợi trùm
Một việc chắc chắn bạn cần phải làm trước khi niềng răng đó là điều trị dứt điểm những bệnh lý liên quan đến răng miệng. Nếu không điều trị trước khi niềng, quá trình niềng răng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Viêm lợi có thể gây đau, viêm trầm trọng hơn, răng dịch chuyển không theo ý muốn. Một vài trường hợp tái phát viêm lợi trong khi đang niềng cần phải tạm thời đình chỉ niềng răng để điều trị rồi mới tiếp tục niềng răng được.
Cắt lợi sau khi niềng răng đối với trường hợp cười hở lợi
Cười hở lợi có nhiều nguyên nhân gây ra như: cười hở lợi do môi, do răng, do xương ổ răng hay xương hàm… Trong đó, niềng răng chỉ cải thiện một phần tình trạng cười hở lợi do xương hàm và xương ổ răng. Chẳng hạn như những trường hợp có kích thước răng ngắn, thì niềng răng có thể điều chỉnh kéo dài răng, làm đẹp cung răng.
Đối với những người bị hở lợi mức độ trung bình tới nặng thì niềng răng không giải quyết được. Xem chi tiết trong bài viết: Niềng răng có điều trị được cười hở lợi không?
Thực tế việc quyết định cắt lợi trước hay sau niềng là tùy vào mong muốn của mỗi người. Chúng ta có thể dựa theo tư vấn của bác sĩ để có được lộ trình điều trị thích hợp nhất theo tình trạng răng của mình.
Nếu quyết định cắt lợi sau khi niềng, thời gian tốt nhất để thực hiện cắt lợi là khoảng 2 – 4 tuần sau tháo niềng, vì lúc này các mô lợi đã ổn định bác sĩ có thể dễ dàng quan sát được đường viền lợi, độ dài răng và kích thước răng để cắt lợi chuẩn xác nhất.
Có thể bạn quan tâm: Lưu ý bạn nhất định phải biết khi niềng răng mắc cài kim loại
3. Chăm sóc răng miệng sau cắt lợi
Dù cắt lợi được coi là một tiểu phẫu không quá phức tạp nhưng vấn đề chăm sóc răng miệng sau phẫu thuật vẫn rất quan trọng. Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và lợi nhanh chóng hồi phục đồng thời giảm nguy cơ xảy ra biến chứng bạn cần lưu ý những vấn đề dưới đây:
3.1. Giảm đau, giảm phù nề
Những cơn đau, sưng sau cắt lợi là điều không thể tránh khỏi. Bạn có thể thấy đau ngay khi cắt lợi xong và trở về nhà vì thuốc tê đã không còn tác dụng, lúc này bạn có thể sử dụng thuốc để giảm những cơn đau. Sau ngày đầu tiên, cảm giác đau rát vẫn còn, khi đó bạn có thể tự chườm lạnh nhẹ nhàng bên ngoài để làm dịu cơn đau. Chú ý động tác chườm cần nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng đến lợi.
3.2. Chế độ ăn uống khoa học
Sau khi cắt lợi cả lợi và răng đều nhạy cảm hơn rất nhiều do đó bạn cần duy trì một chế độ ăn uống khoa học để lợi mau lành, nhất là trong giai đoạn 2 tuần đầu tiên sau cắt lợi.
– Ăn đồ ăn mềm: Những loại thực phẩm mềm sẽ an toàn hơn với bạn trong thời gian này, những món ăn bạn nên sử dụng là: cháo, súp, rau củ chín mềm hay các loại thịt được ninh nhừ,… đặc biệt bạn vẫn có thể ăn cơm bình thường vì cơm cũng là một món ăn không quá cứng. Bạn chỉ cần chú ý tránh các món ăn kèm quá dai hoặc quá cứng như xương, gân, chân gà,…
– Không ăn đồ ăn cay nóng hay sử dụng các chất kích thích gây hại cho sức khỏe như cà phê, rượu bia, thuốc lá,…
– Bổ sung thêm Vitamin, khoáng chất: để cơ thể nhanh chóng phục hồi và chống chọi lại những tác nhân gây bệnh.
– Uống nhiều nước: để giữ cho khoang miệng luôn đủ độ ẩm, giảm viêm nhiễm, bạn cần uống đủ nước mỗi ngày sau phẫu thuật cắt lợi.
Nếu bạn niềng răng và sau đó cắt hở lợi, bạn cũng cần chú ý tới những vấn đề khác đề răng không bị chạy lại sau niềng, xem trong bài: Nên làm gì để răng không chạy lại sau khi chỉnh nha?
3.3. Vệ sinh răng miệng an toàn
Để tránh viêm nhiễm, nhiễm trùng lợi sau phẫu thuật vệ sinh răng miệng là một yếu tố rất quan trọng:
– Trong một vài ngày đầu tiên bạn không nên chải răng mà chỉ cần súc miệng với nước sát khuẩn có chứa chlorhexidin 0,12%, hoặc dùng bông tẩm nước muối để lau nhẹ vùng lợi. Khi thực hiện cũng cần hết sức nhẹ nhàng để tránh làm bong cục máu đông xung quanh chân răng.
– Những ngày tiếp theo, bạn đã có thể chải răng như bình thường nhưng động tác cũng cần nhẹ nhàng, không nên chải quá mạnh. Lúc này, bạn cũng có thể sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng được rồi nhé!
– Súc miệng nước muối nhẹ nhàng cũng là một cách an toàn để làm sạch khoang miệng đồng thời sát khuẩn nhẹ nhằm giảm nguy cơ viêm nhiễm.
3.4. Tuân thủ chỉ định của bác sĩ
Sau phẫu thuật cắt lợi, bạn cần chú ý uống thuốc đúng liều lượng theo đơn mà bác sĩ kê cho, đồng thời làm theo những chỉ dẫn được hướng dẫn tại phòng khám, thông báo ngay cho bác sĩ nếu có vấn đề bất thường xảy ra. Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là tái khám đúng lịch hẹn để được kiểm tra vết thương sau mổ và cắt chỉ nữa nhé!
Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về câu hỏi “Nên cắt lợi trước hay niềng răng trước” được nhiều khách hàng quan tâm trong thời gian gần đây. Mong rằng những thông tin này sẽ giúp ích cho bạn. Nếu còn băn khoăn cần được giải đáp, mời bạn liên hệ tới Nha khoa Thúy Đức qua số Hotline hoặc điền thông tin cá nhân tại form dưới đây.
Please Enter Your Facebook App ID. Required for FB Comments. Click here for FB Comments Settings page