Có một khớp cắn chuẩn là điều ai cũng mong muốn, nó không chỉ mang lại sự hài hòa cân đối cho cả khuôn mặt mà còn quyết định tới cảm giác ăn uống, sức nhai của răng, đặc biệt là những vấn đề có liên quan tới các bệnh lý nguy hiểm của hàm mặt. Vậy như thế nào được coi là một khớp cắn chuẩn, làm thế nào để sở hữu khớp cắn chuẩn, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời cho riêng mình.
Mục lục
Khớp cắn chuẩn là thế nào?
Khớp cắn là sự tương quan giữa hai hàm răng trên dưới về sự đối xứng của các răng và sự liên quan mật thiệt giữa xương của hai hàm. Một khớp cắn được coi là khớp cắn chuẩn phải có có sự hài hòa cân đối trên khuôn mặt và đạt được đầy đủ các tiêu chuẩn về vòm hàm, cung răng, tỷ lệ giữa các răng cũng như sự cân đối về kích cỡ của răng trên cung hàm.
Khi có hàm răng với khớp cắn chuẩn khuôn mặt của bạn không chỉ có tính thẩm mỹ mà còn cải thiện được tình trạng nhai từ đó đảm bảo sức khỏe ở mức tối đa.
Những tiêu chí để đánh giá khớp cắn chuẩn:
Khớp cắn có sự tương quan hài hòa với toàn bộ gương mặt
Khớp cắn chuẩn phải có tỷ lệ hợp lý, tương quan hài hòa với các bộ phận khác trên khuôn mặt như trán, mũi, cằm, mắt,…
Khi ngắm nhìn một người có khớp cắn chuẩn bạn sẽ thấy được sự cân đối của các bộ phận mắt, mũi, trán, tạo cảm giác rất ưa nhìn khi quan sát ở cả góc độ thẳng và nghiêng.
Hai hàm răng phải cắn khít vào nhau
Khớp cắn chuẩn có hai hàm răng dễ dàng cắn khít vào nhau, tạo ra lực nhai khỏe và bền chắc, vì thế những người có khớp cắn chuẩn sẽ ăn nhai tốt hơn so với người bình thường. Những biểu hiện này được đánh giá cụ thể dựa trên 2 nhóm răng như sau:
- Nhóm răng cửa: 4 răng cửa hàm trên và 2 răng nanh sẽ trùm ra ngoài 4 răng đối xứng của hàm dưới với một tỷ lệ chuẩn xác. Khi đó bạn sẽ thấy răng cửa hàm dưới tiếp xúc với 2/3 thân răng cửa hàm trên khi ở trạng thái bình thường.
- Nhóm răng hàm: Khi cắn nhai thức ăn, các răng hàm số 4, 5, 6, 7 sẽ tiếp xúc với nhau ở mặt nhai và cắn khít với nhau mà không bị hở hay kênh cộm. Trong đó mỗi một chiếc răng sẽ đối xứng tương ứng với răng tại vị trí tương tự của hàm kia mà không bị lệch.
Trục đối xứng chuẩn
Để đánh giá một người có khớp cắn chuẩn hay không bạn có thể thử cách dùng một đường thẳng dọc chia khuôn mặt thành hai phần, nếu người đó có khớp cắn chuẩn thì đường thẳng sẽ thẳng tắp, chia đều các bộ phận trán, mũi, miệng, răng, cằm thành 2 phần đều nhau, không lệch sang trái hay phải.
Bên cạnh đó đường thẳng này cũng phải trùng với vị trí đường nhân trung là đường nằm giữa 2 răng cửa của hàm trên và 2 răng cửa hàm dưới, tạo nên vị trí đối xứng đẹp nhất cho cả 2 hàm răng.
Gương mặt đạt được tỷ lệ vàng
Gương mặt có tỷ lệ vàng với khớp cắn chuẩn khi nó được chia thành 3 phần bằng nhau như sau:
- Từ chân tóc tới đầu mũi
- Từ đầu mũi tới gốc mũi
- Từ gốc mũi tới hết cằm
Bên cạnh đó những đặc điểm dễ nhận biết một khuôn mặt khớp cắn chuẩn là sự thon dần về phía cằm, xương hàm nhọn không bị thô, khi cười không bị méo miệng mà vẫn giữ được sự cân đối hài hòa của cả khuôn mặt.
Lợi ích khi sở hữu khớp cắn chuẩn
Sở hữu khớp cắn chuẩn mang lại rất nhiều lợi ích như sau:
- Giúp gương mặt trở nên cân đối, hài hòa, nụ cười xinh đẹp rạng rỡ hơn do lúc khép miệng phần vòm hàm trên và hàm dưới sẽ cân xứng nhau và không có khoảng hở.
- Ăn nhai tốt hơn do thức ăn được nghiền nát kỹ, tăng cảm giác ngon miệng, không bị mỏi hàm khi nhai, cắn thực phẩm.
- Hạn chế tối đa việc mắc các bệnh lý về răng miệng và đường tiêu hóa.
- Không bị nói ngọng, phát âm sai, nói lắp,…
Các dạng sai lệch khớp cắn thường gặp
Lệch khớp cắn là một trong những tình trạng thường gặp ở nhiều người hiện nay. Đây là tình trạng hai hàm răng trên dưới không thể cắn khít lại với nhau, lệch đường nhân trung trên dưới hoặc các răng hàm trên bị lệch lạc, không thẳng hàng làm cho khuôn mặt bị mất tính thẩm mỹ gây khó khăn trong việc phát âm và ăn nhai.
Các dạng sai lệch khớp cắn thường gặp:
Sai khớp cắn loại 2 ( Khớp cắn hô hay vẩu): Hiểu một cách đơn giản thì sai khớp cắn loại 2 chính là tình trạng răng hô, vẩu, hàm trên không đối xứng với hàm dưới, tương quan giữa trán, mũi, cằm bị lệch, do xương hàm trên phát triển quá mức làm cho răng bị chìa ra ngoài, nhìn nghiêng sẽ thấy môi bị trề, làm cho gương mặt không có tính thẩm mỹ.
Khớp cắn ngược hay còn gọi là răng móm: Đây là dạng sai lệch khớp cắn nghiêm trọng do xương hàm dưới phát triển quá mức, xương hàm trên lại kém phát triển và cụp vào phía trong. Khi nhìn nghiêng bạn sẽ thấy môi dưới chìa hẳn ra phía trước so với môi trên. Những trường hợp móm nặng thậm chí cằm còn bị chìa hẳn ra ngoài. Tình trạng này khiến cho khuôn mặt bệnh nhân bị mất cân đối, tác động xấu tới hàm, khó ăn nhai.
Đọc thêm: Niềng răng khớp cắn ngược bao lâu có hiệu quả?
Khớp cắn sâu: Là sự mất cân đối giữa hai hàm trên dưới do bị sai lệch khớp cắn. Hàm dưới lọt thỏm và bị che khuất sâu trong hàm trên. Khi nhìn nghiêng sẽ thấy hàm dưới bị che đi khá nhiều, tương quan giữa trán, mũi cằm gần giống với người bị hô vẩu. Người bị khớp cắn sâu cùng gặp nhiều khó khăn trong việc ăn nhai thức ăn.
Xem thêm: Niềng răng xong bị khớp cắn sâu nên xử lý thế nào?
Khớp cắn chéo: Khớp cắn chéo nhìn bình thường sẽ rất khó phát hiện mà nó chỉ lộ ra khi cười. Với những người khớp cắn chuẩn các răng và kẽ răng sẽ cân đối và hài hòa với nhau còn với những người bị khớp cắn chéo răng sẽ bị xô lệch, thò ra thụt vào không theo trật tự, không rõ là bị hô hay móm.
Khớp cắn hở: Đây là một trong những dạng sai lệch khớp cắn nghiêm trọng nhất, nó ảnh hưởng trực tiếp tới thẩm mỹ và chức năng của cả hàm răng. Khi bị khớp cắn hở, ở trạng thái khép răng vẫn có thể nhìn thấy được lưỡi do hai nhóm răng ở hai hàm không chạm được vào nhau tạo thành khoảng hở, khiến cho bệnh nhân gặp khó khăn trong việc ăn nhai và cắn thức ăn.
Khớp cắn đối đầu: Khớp cắn đối đầu là dạng sai lệch khớp cắn ở mức độ nhẹ, khi nhóm răng cửa hàm trên chạm vào đỉnh của nhóm răng cửa hàm dưới. Theo thời gian nếu không được điều chỉnh, khớp cắn đối đầu sẽ làm cho răng bạn bị mẻ hoặc nứt vỡ, cằm bị ngắn lại khiến gương mặt bị biến dạng.
Dấu hiệu nhận biết sai lệch khớp cắn
Bạn có thể dễ dàng nhận biết tình trạng sai lệch khớp cắn thông qua các dấu hiệu dưới đây:
- Khi cắn xuống sẽ nhận thấy có sự chênh lệch khớp cắn giữa 2 hàm.
- Khi ăn nhai hoặc nói chuyện thường xuyên cắn phải má trong hoặc lưỡi
- Bị mỏi hàm khi ăn nhai, khó chịu khi cắn, gặm thức ăn.
- Phát âm không rõ chữ, bị ngọng, líu lưỡi.
- Gặp khó khăn khi ngậm miệng và khép kín 2 hàm, thậm chí phải thở bằng miệng thay vì bằng mũi.
Nguyên nhân bị sai lệch khớp cắn
70% nguyên nhân dẫn tới sai lệch khớp cắn là do di truyền từ ông bà bố mẹ, do bẩm sinh hoặc cấu trúc của răng hàm. Bên cạnh đó còn có một số thói quen không tốt làm ảnh hưởng tới hình dạng và cấu trúc của xương hàm như sau:
- Sau 3 tuổi trẻ em vẫn duy trì thói quen bú bình, lâu dài, mút ngón tay, ngậm ti giả
- Xảy ra va chạm nghiêm trọng hoặc các thương tích do tai nạn khiến bị lệch hàm
- Không biết cách chăm sóc và vệ sinh rặng miệng
- Bị biến chứng do thực hiện phương pháp phục hình thẩm mỹ không đảm bảo như trám răng, làm mão răng sứ,…
- Biến chứng mất răng gây tiêu xương hàm dẫn tới xô lệch răng toàn hàm.
Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan thì bạn cần phải để ý tới các nguyên nhân khách quan để ngăn chặn tình trạng sai lệch khớp cắn ví dụ như quan tâm, can thiệp tiền chỉnh nha sớm khi thấy con có những biểu hiện bị sai lệch khớp cắn, tập cho trẻ thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách từ nhỏ,… nếu không sẽ dễ gây nên những tác hại về cả thẩm mỹ và tâm lý.
Làm thế nào để có khớp cắn đạt chuẩn?
Có rất nhiều người gặp phải tình trạng khớp cắn chéo, ngược, đối đầu, hở,… nên bị mất tự tin trong quá trình giao tiếp, không dám cười nhiều. Ngoài ra còn bị cản trở đáng kể trong quá trình ăn nhai, phát âm bị ngọng, líu lưỡi.
Để cải thiện tình trạng này và điều chỉnh đưa các khớp cắn về đúng vị trí bạn có thể thực hiện việc niềng răng hoặc phẫu thuật hàm. Đây là những phương pháp tối ưu nhất được nhiều người tin tưởng lựa chọn nhất hiện nay.
Niềng răng điều trị sai lệch khớp cắn
Trong trường hợp sai lệch khớp cắn do răng, niềng răng là giải pháp tuyệt vời nhất để khắc phục, phương pháp này bảo tồn tối đa răng thật, không tác động tới xương hàm bằng dao kéo gây đau đớn hoặc để lại di chứng về sau.
Niềng răng được đánh giá là phương pháp lâu đời và được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Nó sử dụng các khí cụ chuyên dụng như dây cung, mắc cài tác động lực lên răng, đưa chúng về vị trí đúng.
Thời gian niềng răng dao động từ 18 – 24 tháng tùy thuộc theo độ tuổi niềng răng, tình trạng răng cũng như tay nghề của bác sĩ. Sau khi niềng răng xong hàm răng sẽ trở nên đều đặn khớp cắn chuẩn.
Các phương pháp niềng răng phổ biến hiện nay:
Niềng răng mắc cài kim loại
Niềng răng mắc cài kim loại sử dụng mắc cài gắn trên răng cùng với hệ thống dây cung tác động lực điều chỉnh răng về đúng vị trí trên cung hàm. Mắc cài kim loại có 2 dòng là mắc cài kim loại truyền thống và mắc cài thông minh Damon. Nếu như mắc cài truyền thống cần có dây chun để cố định dây thun trong rãnh mắc cài thì mắc cài thông minh Damon không cần sử dụng dây thun mà có hệ thống nắp trượt tự động giữ dây cung trong rãnh mắc cài, giúp dây cung trượt tự do không lo bị bung, đứt, từ đó lực tác động lên răng cũng được đều đặn và hiệu quả nhanh hơn.
Niềng răng mắc cài sứ
Mắc cài sứ về cấu tạo và chức năng hoàn toàn giống với mắc cài kim loại, tuy nhiên về chất liệu mắc cài sứ làm từ sứ nên có màu trong suốt hoặc gần giống với màu răng vì thế có tính thẩm mỹ cao, giúp người đeo mắc cài có thể tự tin giao tiếp, không lo bị nhận ra đang đeo niềng răng nếu như không quan sát ở khoảng cách gần.
Đọc thêm: 7 mẹo bạn nhất định phải biết để giữ cho mắc cài sứ không ố vàng
Niềng răng trong suốt Invisalign
Đây là phương pháp niềng răng hiện đại nhất hiện nay không sử dụng dây cung mắc cài mà sử dụng các khay niềng trong suốt được làm từ vật liệu SmartTrack độc quyền ôm khít chân răng giúp đưa răng về đúng vị trí trên cung hàm. Phương pháp này có ưu điểm có thể dễ dàng tháo ra lắp vào khi ăn uống, vệ sinh, ít phải tới thăm khám đồng thời rút ngắn thời gian chỉnh nha từ 4 – 6 tháng.
Phẫu thuật hàm điều trị sai lệch khớp cắn
Phương pháp này có thể khắc phục được một cách triệt để tình trạng khớp cắn bị sai lệch do xương gây ra. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt xương hàm đưa hàm tới vị trí phù hợp sao cho cân đối với toàn bộ khuôn mặt.
Do phương pháp này rất phức tạp nên yêu cầu bác sĩ có kiến thức chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tế lâu năm, nha khoa có cơ sở vật chất kỹ thuật tốt, trang thiết bị hiện đại để đảm bảo cho quá trình phẫu thuật xương hàm diễn ra an toàn và hiệu quả nhất.
Việc sở hữu một khớp cắn chuẩn không chỉ giúp bạn có một hàm răng đều đặn, nụ cười đẹp, rạng rỡ mà còn đảm bảo sức khỏe ăn nhai tốt nhất. Nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nào của một khớp cắn sai lệch hãy tới ngay nha khoa uy tín để được thăm khám chi tiết và có phương pháp điều trị phù hợp nhất nhé!
Please Enter Your Facebook App ID. Required for FB Comments. Click here for FB Comments Settings page
Hoài đã bình luận
Trẻ em khớp cắn ngược, hàm trên thưa và mọc lệch, thì nên dùng mắc cài cố định hay tháo lắp ạ ?
Bác sĩ Đức AAO đã bình luận
Chào bạn, trước tiên bạn cần đưa bé đi thăm khám cụ thể tại nha khoa. Tùy theo độ tuổi, tình trạng răng của bé cũng như mức chi phí mà bạn có thể chi trả bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất nhé!
Để được tư vấn trực tiếp, bạn có thể liên hệ tới số hotline 093.186.3366 – 096.3614.566 hoặc inbox trực tiếp cho page https://www.facebook.com/nhakhoathuyduc64phovong nhé!